D2 Linh đạo Đa Minh
Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh (2 tập)
Nguyên tác :
- Pháp ngữ: Antoine Touron, O.P., Histoire Abrégée des
Fremiers Disciples de saint Dominique, 1739.
- Anh ngữ : Victor F O’Daniel (bs),
The First Disciples of Saint Dominic, 1928.
Bản Việt ngữ dịch từ bản Anh ngữ.
Chuyển ngữ : Học viện Đa Minh.
Phát hành : Học viện Đa Minh, 2011 & 2012.
Số trang : Tập 1 - 264tr ; Tập 2 - 260tr.
Kích cỡ : 14x20cm
Số trang : Tập 1 - 264tr ; Tập 2 - 260tr.
Kích cỡ : 14x20cm
LỜI TỰA
Đây là bản dịch tác phẩm “The First Disciples of Saint Dominic”, do cha Victor F. O’Daniel biên soạn dựa theo cuốn “Histoire Abrégée des Premiers Disciples de saint Dominique” của cha Antoine Touron. Như vậy cuốn sách này có một nguồn gốc khá phức tạp.
1/ Nguồn gốc cổ nhất là nguyên tác bằng tiếng Pháp của cha Antoine Touron O.P. Cha chào đời ngày 5/9/1686 tại Graulhet, tỉnh Tarn, miền Đông Nam nước Pháp, và từ trần tại Paris ngày 2/9/1775, nghĩa là thọ gần 90 tuổi. Xem ra cha đi tu từ khi còn trẻ. Sau khi thụ phong Linh mục, cha được cử vào sứ vụ giảng thuyết và dạy học. Mãi đến tuổi “ngũ thập” cha mới bắt đầu công việc biên soạn, kéo dài cho đến lúc qua đời, với gần 30 đầu sách. Phần lớn các tác phẩm của cha dành vào việc nghiên cứu lịch sử của Dòng Đa Minh, trong đó nổi tiếng hơn cả là: “Vie de saint Thomas d'Aquin” (1737 vừa là tiểu sử vừa trình bày học thuyết của vị Tiến sĩ thiên thần), “Vie de saint Dominique avec une histoire abrégée des ses premiers disciples” (1739, cuộc đời thánh Đa Minh với lược sử các môn đệ tiên khởi), “Histoire des hommes illustres de l'Ordre de saint Dominique” (1743-1749, Tiểu sử các danh nhân của Dòng Đa Minh gồm 6 quyển).
2/ Dựa trên những phác thảo của cha Touron, cha Victor O’Daniel, giáo sư sử học tại học viện Washington, đã biên soạn cuốn sách bằng tiếng Anh, bổ túc thêm với những tài liệu được xuất bản trong các thế kỷ kế tiếp, cũng như kiểm tra các nguồn tư liệu. Tác phẩm gồm tiểu sử của 56 anh em thuộc thế hệ đầu tiên của Dòng, nghĩa là sống vào thời của thánh Tổ phụ, phần lớn đã được chính người trao áo dòng. Họ đã được sai đi lập Tu viện ở nhiều nơi tại Âu châu. Họ đã đảm trách nhiều trách nhiệm trong Dòng và trong Giáo hội, trong số đó hai vị được phong thánh và 11 vị chân phước.
3/ Bản dịch tiếng Việt này được chia làm hai phần: phần đầu gồm 30 nhân vật, và phần còn lại được dành cho tập II. Chúng tôi chỉ giữ lại vài trích dẫn (footnotes) xem ra cần thiết. Đây là một công trình tập thể của lớp Thần học I (niên khóa 2010-2011) để đánh dấu ngày tuyên khấn trọng thể trong Dòng (15/8/2011).
Nguyên tác được xuất bản từ năm 1928. Từ đó đến nay, đã phát hành nhiều công trình về lịch sử của Dòng, cách riêng kể từ khi thành lập Viện Sử học Dòng Đa Minh (Institutum Historicum Ordinis Praedicatorum năm 1931). Tuy vậy quyển sách này vẫn còn giá trị bởi vì là nguồn duy nhất cung cấp nhiều dữ liệu về nhiều Anh Em Giảng Thuyết ít được biết đến.
Hy vọng tập sách này sẽ đóng góp phần nào vào việc tìm hiểu thời buổi khai sinh Dòng Đa Minh, để chuẩn bị mừng kỷ niệm 800 năm Dòng được Tòa thánh châu phê (21/12/1216). Ước mong rằng đến ngày ấy, chúng ta sẽ dịch được những tác phẩm căn bản:
- Hiến pháp nguyên khởi (Constitutiones Primaevae s. Ordinis Praedicatorum).
- Hồ sơ phong thánh của thánh Đa Minh.
- Đời sống anh em (Vitae Fratrum) của Gerald de Frachet (1259?).
- Chú giải Tu luật thánh Âutinh của cha Humbert de Romans.
* * *
Thật khó đoán được tác giả đã theo thứ tự nào khi trình bày danh sách các môn đệ của thánh Đa Minh: không phải thứ tự ABC, cũng không hẳn là thứ tự niên tuế.
Chúng tôi xin thêm vài chú dẫn để hiểu thêm bối cảnh của các câu chuyện.
1/ Bối cảnh chính trị
Bản đồ Âu châu thế kỷ XIII hoàn toàn khác với ngày nay. Thời ấy chưa có ranh giới giữa các quốc gia, vì thế không lạ gì thánh Đa Minh có thể đi lại dễ dàng từ Tây Ban Nha sang Pháp và Ý. Một cách tương tự như vậy, nhiều sinh viên từ nhiều miền khác nhau của châu Âu đã đến học ở Paris hay Bologna, tại đây họ đã quen biết thánh Đa Minh.
Đối lại, trên lãnh thổ của nước Ý ngày nay, có rất nhiều thực thể tự quản (tựa như: “cộng hoà”, “thành phố”, “quận công”, vv) chứ không có vua. Đức Giáo hoàng cũng là một tiểu vương ở miền Trung nước Ý.
Mặt khác, tại Ý có hai phe luôn chống đối nhau: Guelfi (gốc tiếng Đức Welf) ủng hộ Giáo hoàng; và Ghibelli (gốc tiếng Đức Wibeling) ủng hộ Hoàng đế. Cuộc tranh chấp diễn ra giữa các thành phố và đôi khi ngay trong cùng một thành phố, và thường được coi như tranh chấp giữa “giáo quyền” với “thế quyền”.
2/ Bối cảnh tôn giáo
Lịch sử Dòng Đa Minh gắn liền với việc đương đầu với các lạc giáo Albigeois, Cathares, Manichées, Vaudois.[1] Vào thế kỷ XI-XII Giáo hội bắt đầu thiết lập các tòa Inquisitio. Các dịch giả đã chuyển ngữ bằng nhiều từ ngữ: “toà án xử dị giáo, toà giáo pháp, pháp đình tôn giáo, toà Tra, tòa điều tra”, có lẽ bởi vì họ không hiểu bản chất của nó là gì. Thật ra bộ mặt của nó đã thay đổi khá nhiều từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII. Vào thời nguyên thuỷ của Dòng Đa Minh, toà Inquisitio do Giáo hoàng Grêgôriô IX thiết lập năm 1232 (nghĩa là hơn 10 năm sau khi thánh Đa Minh qua đời), và uỷ thác cho Dòng Giảng Thuyết. Nhiệm vụ là “điều tra” (tra cứu, tra vấn: inquisitio), nghĩa là truy lùng những người lạc đạo, thu thập bằng chứng, tổ chức phiên toà và phán xử. Các thẩm phán hành động nhân danh Giáo hoàng. Nếu đã có những thẩm phán bị tố cáo là khắc nghiệt, thì cũng có những vị bị lạc giáo thủ tiêu, chẳng hạn như Henri de Louvain bên Đức (1233), Guillaume Arnau ở Avignonet (1242), và thánh Phêrô Vêrôna (1252). Đừng quên là các lạc giáo cũng có quân đội của họ! Vào thời đó, các lạc giáo không chỉ là những ý kiến sai lầm về tín lý, nhưng còn là những tổ chức ảnh hưởng đến đời sống chính trị xã hội. Dĩ nhiên, sự trà trộn giữa “đạo” và “đời” có mặt phải và mặt trái của nó.
3/ Ngoài biên cương
Thánh Đa Minh mơ ước đi giảng đạo cho người Cumans. Đây là một từ ngữ ám chỉ một sắc dân từ Trung Á (Karakistan) tràn sang, và định cư ở miền Hungari và Bulgari. Thực ra, vào thời ấy, người ta gọi chung đoàn quân xâm lăng từ châu Á là Tartari bao gồm cả người Mông cổ lẫn người Thổ Nhĩ Kỳ và người Cumans.
Trong tiểu sử thánh Giaxintô, chúng ta gặp thấy những danh xưng “Tiểu Nga” (Little Russia) và “Đại Nga” (Great Russia). Những danh từ này được đặt ra thời Trung cổ, để gọi miền đất của dân Rus: Tiểu Nga ám chỉ vùng ở phương Nam (tương đương với vùng Ukren, với thủ đô là Kiev); Đại Nga ở phương Bắc tương đương với nước Nga ngày nay.§
Ts. Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
-------------
[1] Albigeois. Tên lấy theo địa danh, Albi, miền Nam nước Pháp, đặt cho nhóm người Cathari có nghĩa là những người “được thanh luyện”, danh từ ám chỉ những thành viên cao cấp của phong trào theo thuyết Nhị nguyên, du nhập từ Đông phương, với nguồn gốc xa xưa từ ông Mani (216-217), vì thế mang danh là đạo Manikê. Còn Vaudeois là những người đi theo ông Pierre de Vaux (hoặc Valdes, Valdo) gốc ở Lyon (+1197), cổ động việc trở về tinh thần nghèo khó của Tin mừng; ông cũng ủng hộ cho các giáo dân đi giảng thuyết. Lý tưởng của ông khá giống với chủ trương của thánh Đa Minh và thánh Phan Sinh.
[1] Albigeois. Tên lấy theo địa danh, Albi, miền Nam nước Pháp, đặt cho nhóm người Cathari có nghĩa là những người “được thanh luyện”, danh từ ám chỉ những thành viên cao cấp của phong trào theo thuyết Nhị nguyên, du nhập từ Đông phương, với nguồn gốc xa xưa từ ông Mani (216-217), vì thế mang danh là đạo Manikê. Còn Vaudeois là những người đi theo ông Pierre de Vaux (hoặc Valdes, Valdo) gốc ở Lyon (+1197), cổ động việc trở về tinh thần nghèo khó của Tin mừng; ông cũng ủng hộ cho các giáo dân đi giảng thuyết. Lý tưởng của ông khá giống với chủ trương của thánh Đa Minh và thánh Phan Sinh.
Đăng nhận xét
0 Nhận xét