Thần Bí Và Ngôn Sứ - Truyền Thống Đa Minh

Thông tin tác phẩm

Nguyên tác : MYSTICISM AND PROPHECY The Dominican Tradition, 
Tác giả : Richard Woods, O.P.
Xuất bản : Orbis Books, New York, 1998

Chuyển ngữ : Lớp Gioan Maisan - Học viện Đa Minh
Kích cỡ : 14.5x20.5cm
Số trang 230
Hiệu đính : Giuse Phan Tấn Thành, O.P
Phát hành : 08/08/2021, Kỷ niệm ngày tuyên khấn trọng thể lớp Gioan Maisan
 

***

Trích lời giới thiệu

Để kỷ niệm lễ khấn dòng vào dịp 800 năm thánh Đa Minh tạ thế, anh em sinh viên lớp thần I niên học 2020-21 đã dịch cuốn sách Mysticism and Prophecy. The Dominican Tradition của linh mục Richard Woods O.P., do nhà xuất bản Orbis Books, New York phát hành năm 1998.

Tác phẩm này nằm trong loạt sách “Traditions of Christian Spirituality”, nhằm giới thiệu vắn tắt những truyền thống tâm linh Kitô giáo. Tác giả là giáo sư tại Dominican University River Forest và Loyola University Chicago, chuyên nghiên cứu về lịch sử thần học tâm linh thời Trung đại, đặc biệt là Meister Eckhart.
[...]


Bố cục

Cuốn sách gồm tám chương.

1/ Trong chương Một, tác giả giới thiệu Dòng Đa Minh cũng như linh đạo của Dòng, và lưu ý rằng có nhiều nguồn dữ liệu trong linh đạo này. Đồng thời tác giả cũng nêu lên một vài đặc tính cốt yếu của đời sống Đa minh: đơn sơ, cầu nguyện, học hành, truy tầm Chân lý, nghèo khó tinh thần, chiêm niệm, được diễn tả qua việc tham gia vào sứ vụ giảng thuyết của Chúa Kitô.

2/ Sang chương Hai, tác giả lượt qua những nhân vật nổi danh vào thời buổi đầu tiên của Dòng: cha thánh Đa Minh, chân phước Giorđano người kế vị đấng sáng lập, Reginaldo Orleans, Hugues de Saint Cher, Humbertô  Romanô, Tôma Aquinô, Meister Eckhart, và Albertô Cả.

3/ Trong chương Ba, tác giả đi vào đề tài “thần học phủ định”, nghĩa là bàn về Thiên Chúa như là “tối tăm”, “vô tri”, và những hình thức tiêu cực như là : vô, không, bất.. khởi đi từ Kinh thánh (Cựu ước và Tân ước), tiếp nối qua các giáo phụ như Augustinô, Clementê, Origen, Gregoriô  Nyssa, Gregoriô Nazianzenô, Lêo Cả, Đionysiô, Gioan Scottus, Gioan Sarracenus, Columbanô, Gioan Đamascô.

Ba chương Bốn, Năm, Sáu có thể coi như cốt lõi của tác phẩm, khi đề tài “thần bí và ngôn sứ” được phân tích  ở ba tác giả điển hình: Tôma Aquinô, Meister Eckhart, Catarina Siena.

4/ Thật vậy, độc giả có thể ngỡ ngàng khi thánh Tôma Aquinô được gọi là “lãnh tụ của thần học thần bí” (the Prince of mystical theology), và  là “điển hình cho đặc sủng và linh đạo Đa Minh”. Tác giả chứng tỏ điều này qua việc mô tả cuộc đời của thánh nhân, dấn thân vào việc học hành và chiêm niệm, và cách riêng đến “linh đạo” của ngài, nghĩa là đời sống cầu nguyện, cách thức diễn tả Thiên Chúa, qua những đường lối “biết và không biết” (chương bốn).

5/ Chương Năm trình bày cuộc đời và tư tưởng Meister Eckhart, một người được biết đến nhiều nhất trong giới nghiên cứu thần bí kể cả bên ngoài Kitô giáo. Đặc trưng của nhân vật này là sử dụng những thuật ngữ “sự hư vô của Thiên Chúa”, hoặc sự “dứt bỏ triệt để”. Tác giả cũng giới thiệu thêm các nhân vật thuộc “trường phái sông Rhin” mà Meister Eckhart vốn được coi như thủ lãnh.

6/ Chương Sáu trình bày thánh Catarina Siena, một nhà chiêm niệm sâu xa và đồng thời cũng là một người dấn thấn hết mình cho cuộc canh tân Giáo hội và giúp đỡ người nghèo khổ; thánh nữ vừa hăng say bảo vệ công lý lại vừa tỏ lòng trắc ẩn với tha nhân.

7/ Sau khi đã dừng lại ở ba nhân vật chính, chương Bảy nói đến những người chịu ảnh hưởng của Eckhart, kể cả bên ngoài Dòng Đa Minh, chẳng hạn như  Henry Suso, John Tauler, trường phái nước Đức, Đám mây vô tri, Jan van Ruysbroeck, Nicola Cusa.

8/ Chương Tám lướt qua ảnh hưởng của Catarina Siena đối với công cuộc cải tổ Giáo hội và Dòng Đa Minh. Cuốn sách kết thúc với việc nhìn lại ý nghĩa của con đường phủ định đối với việc tìm kiếm Thiên Chúa. 

Ngay từ đầu, tác giả nhìn nhận rằng không thể tóm tắt linh đạo Đa Minh vào phương thức “thần bí và ngôn sứ”, lại càng không thể chỉ giới hạn vào một vài khuôn mặt điển hình. Tuy vậy, lối tiếp cận này cũng mang tính cách thời sự của nó, khi biết rằng Liên hiệp các bề trên tổng quyền (quy tụ 800 hội dòng khắp thế giới) đã chọn đề tài “Thần bí và ngôn sứ, căn tính đời sống thánh hiến” cho phiên họp khoáng đại vào tháng 11 năm 2010.

[...]


Gò vấp, ngày 08 tháng 8 năm 2021
Giuse Phan Tấn Thành , O.P



Đăng nhận xét

0 Nhận xét