NGHI THỨC PHONG CHỨC LINH MỤC, PHÓ TẾ - DIỄN GIẢI

Tác giả: Phan Tấn Thành
Phát hành : Học Viện Đa Minh, ngày 4/8 - Lễ thánh Gioan M. Vianney
Số trang: 120 trang
Kích cỡ : 14.5x20.5cm

MỪNG 16 TÂN LINH MỤC DÒNG ĐA MINH


LỜI NÓI ĐẦU

Trong đời sống của một Học viện Dòng tu (cũng tựa như Chủng viện), lễ phong chức là một “biến cố” quan trọng nhất: nó đánh dấu ngày “mãn khóa” của một tiến trình đào tạo kéo dài trên dưới 10 năm (6 năm theo học triết học và thần học, cộng thêm những năm tìm hiểu ơn gọi trước đó và những năm thực tập kèm theo). Một nguy cơ không thể tránh được là lễ “phong chức” được xem như lễ “tốt nghiệp”, “cấp bằng”, “ra trường” giống như các đại học hoặc trường đào tạo chuyên nghiệp. Thậm chí từ ngữ “phong chức” (hoặc “truyền chức”)[1] cũng dễ gây hiểu lầm như là một việc “thăng quan tiến chức”. Dù không rơi vào những hiểu lầm ấy đi nữa, nhưng có lẽ ít người dự lễ hiểu rõ ý nghĩa của toàn buổi lễ cũng như ý nghĩa của các cử chỉ và lời kinh của lễ nghi.

Tập sách được soạn ra trước hết để giúp các sinh viên hiểu biết “thần học về bí tích” qua nghi thức cử hành, dựa theo phương châm lex orandi lex credendi: Giáo hội biểu lộ đạo lý đức tin về bí tích qua chính nghi thức cử hành phụng vụ. Dưới một phương diện nào đó, nghi thức phụng vụ trình bày cho ta một thần học về bí tích phong phú hơn các sách giáo khoa, bởi vì không chỉ dừng lại ở khía cạnh tín lý mà còn kèm thêm khía cạnh linh đạo nữa. Dĩ nhiên, các linh mục và phó tế cũng được mời gọi thỉnh thoảng hãy nghiền ngẫm những trang này, để “khơi dậy đặc sủng mà Thiên Chúa đã ban khi được đặt tay” (2Tm 1,6).

Tuân theo chỉ thị của công đồng Vaticanô II về việc duyệt lại nghi thức phong chức “cả về nghi lễ lẫn các bản văn”,[2] đức thánh cha Phaolô VI đã ban hành sách Nghi thức mới với tông hiến Pontificalis Romani recognitio (ngày 18/6/1968), trong đó ấn định chất thể và mô thức của việc phong chức. Hai mươi năm sau đó, Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích xuất bản một ấn bản mới do nghị định của Hồng y Bộ trưởng Eduardo Martinez ký ngày 29/6/1989, với một vài thay đổi chi tiết tuy nhỏ nhưng mang khá nhiều ý nghĩa.

- Về tựa đề: De Ordinatione Episcopi, Presbyterorum et Diaconorum (Việc phong chức Giám mục, Linh mục và Phó tế),[3] thay cho tựa đề trước đây De Ordinatione Diaconi, Presbyteri et Episcopi (Việc phong chức Phó tế, Linh mục và Giám mục). Như vậy là có sự đảo ngược thứ tự. Trước đây, thứ tự tính từ dưới lên trên: trước hết, phải lãnh chức phó tế, rồi sau mới đến chức linh mục và giám mục; xem ra đây là thứ tự của việc thăng quan tiến chức! Bây giờ thứ tự từ trên đi xuống: Giám mục tượng trưng cho sự sung mãn của mọi tác vụ, và hai tác vụ linh mục và phó tế được tham dự vào đó; đây là thứ tự thần học.

- Ấn bản thứ hai thêm phần dẫn nhập Praenotanda (Những điều cần biết trước). Các sách phụng vụ soạn thảo sau công đồng Vaticanô II đều thêm mục Praenotanda để giải thích ý nghĩa thần học của nghi thức cũng như ý nghĩa của các dấu chỉ (cử điệu và lời nguyện) của cuộc cử hành, nhằm giúp cho cộng đoàn tham dự cách ý thức hơn. Không rõ vì lý do gì, nghi thức truyền chức và hôn phối đã thiếu mục này trong lần xuất bản đầu tiên; vì thế trong lần tái bản, Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích đã bổ túc thêm. Riêng đối với nghi thức phong chức, chúng ta có thể phân biệt hai thứ dẫn nhập: 1/ Dẫn nhập tổng quát (Praenotanda generalia) vào toàn thể nghi thức.[4] 2/ Dẫn nhập riêng vào từng nghi thức, liên quan đến bốn điểm: a) Tầm quan trọng của việc phong chức; b) Các chức vụ và các thừa tác vụ; c) Cử hành phong chức; d) Những đồ cần dọn sẵn.[5]

Sách Nghi thức gồm năm chương: 1/ Việc phong chức giám mục. 2/ Việc phong chức linh mục. 3/ Việc phong chức phó tế. 4/ Việc phong chức phó tế và linh mục trong cùng một cử hành phụng vụ. 5/ Bản văn dùng trong cử hành phong chức.

Tập sách này chỉ chú trọng đến việc phong chức linh mục và phó tế, tức là chương Hai và chương Ba của sách “Nghi thức phong chức”. Chúng tôi sẽ dành riêng một chương để tìm hiểu mỗi nghi thức; trước đó là một chương mở đầu trình bày vài vấn đề tổng quát. 

Về phương pháp trình bày. Khi tìm hiểu nghi thức phong chức linh mục và phó tế, chúng tôi sẽ cố gắng theo sát bản văn của Sách NTPC, và thêm các chú giải (hoặc ngay trong chính bản văn, hoặc trong chú dẫn ở cuối trang) nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của các từ ngữ hoặc cấu trúc của nghi thức.[6]

--------------
[1] “Phong chức” và “truyền chức” (Ordinatio). Đối chiếu: tựa đề sách phụng vụ “Nghi thức phong chức”; sách Giáo lý Hội thánh Công giáo do Uỷ ban giáo lý đức tin của HĐGM (NXB Tôn giáo 2010), dịch là “Bí tích truyền chức thánh” (trang 459); Bộ Giáo luật do Hội đồng giám mục (NXB Tôn giáo 2007) dịch là “Bí tích truyền chức thánh” (trang 319). 


[2] “Ritus Ordinationum, sive quoad caeremonias sive quoad textus recognoscantur”. Hiến chế về Phụng vụ, số 76. 


[3] Pontificale Romanum ex Decreto Sacrosancti Ecumenici Concilii Vaticani II renovatum auctoritate Pauli PP. VI editum Ioannis Pauli PP. II cura recognitum. De Ordinatione Episcopi, Presbyterorum et Diaconorum, Editio typica altera, Typis Polyglottis Vaticanis, 1990. 


[4] Gồm ba điểm: 1/ Ý nghĩa thần học của bí tích truyền chức với ba đẳng cấp (số 1-6). 2/ Cấu trúc cử hành (số 7-10). 3/ Thích nghi với các miền và hoàn cảnh (số 11). 


[5] Những điều cần biết trước: 1/ Việc phong chức giám mục (số 12-30). 2/ Việc phong chức linh mục (số 101-117). 3/ Việc phong chức phó tế (số 173-192). 


[6] Tập sách này được gợi hứng từ một giáo trình về thần học phụng vụ của cha Antonio Miralles, Teologia liturgica dei sacramenti. 6. Ordine (Pontificia Università della Santa Croce, Roma, 2010), và được bổ túc thêm với những bài nghiên cứu về phụng vụ, chẳng hạn như: Giuseppe Ferraro, “Ordine, Ordinazione”, Nuovo Dizionario di Liturgia, Paoline, Roma, 1984, p.943-960. Pierre Jounel, “Ordinations”, The Church at Prayer, vol. III, The Liturgical Press, Collegeville, 1988, p.139-180.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét