Phụng vụ là gì?

Thông tin tác phẩm

- Nguyên tác : What, Then, Is Liturgy? Musings and Memoir.
- Tác giả : Anscar J. Chupungco, O.S.B.

- Kích cỡ : 14.5x20.5cm
- Số trang : 452
- Chuyển ngữ : Giuse Nguyễn Thế Lân, O.P.
- Hiệu đính : Giuse Nguyễn Cao Luật, OP
- Phát hành : Học Viện Đa Minh, 2019


LỜI NÓI ĐẦU 


Trong hơn 35 năm qua, hàng ngàn sinh viên từ khắp các quốc gia trên thế giới đều đã có cơ hội nghiên cứu phụng vụ với cha Anscar Chupungco, OSB (dòng Biển Đức). Là một trong số những người ưu tuyển của truyền thống Biển Đức, cha truyền đạt không chỉ kiến thức về phụng vụ thánh mà còn truyền đạt tình yêu sâu đậm của mình đối với Hội thánh như Thân Thể Nhiệm Mầu của Đức Kitô. Những trang sách dưới đây sẽ cho thấy một ý tưởng tuyệt vời về những điều mà các lớp học và những cuộc nói chuyện thân mật với cha Anscar đã tỏ lộ. Cha mô tả quyển sách này như một ký ức phụng vụ, cùng chia sẻ với độc giả “ký ức của mình về con người và sự kiện” đã hình thành nên một nhà phụng vụ như công việc của cha bây giờ. 


Không đưa ra một bài trình bày mang đầy tính học thuật và khô khan, cha Anscar mời gọi độc giả tham gia cùng với mình như một người có chung niềm tin vào canh tân phụng vụ. Điều này được định nghĩa là một cảm thức thâm sâu và chắc chắn về tiềm thể phụng vụ hầu làm triển nở mối tương quan trao ban sự sống với Đức Giêsu Kitô. Rút tỉa từ những gì đã học được nơi những người thầy của mình, cha Anscar so sánh việc nghiên cứu phụng vụ như bước vào một khu rừng. Cha cảnh báo chúng ta rằng không nhất thiết phải dừng lại và chiêm ngắm từng cây nhưng phải có một bức tranh toàn cảnh khu rừng. Nói cách khác, cha truyền tải cho sinh viên của mình điều này hầu có thể hoàn toàn hiểu rõ giá trị của phụng vụ và nhờ đó mà hoàn toàn được biến đổi. Đó là điều cần thiết hơn là hiểu biết đơn thuần luật chữ đỏ hay những vấn đề liên quan đến bản văn. Bởi vì tính toàn thể của phụng vụ thì hơn là tổng hợp các thành phần trong phụng vụ. Theo cách nói của cha: “Chúng ta nên thận trọng đối với việc xếp luật chữ đỏ lên trên cả một nền thần học vững chắc, ý thức lịch sử và trên cả mối quan tâm mục vụ. Luật chữ đỏ là để dẫn tín hữu đến một kinh nghiệm sâu thẳm về mầu nhiệm Vượt Qua.” 


Do vậy, cuốn sách này trình bày một cái nhìn về đời sống phụng vụ của Giáo hội xuất phát từ Công đồng Vaticanô II. Các vị thầy của cha Anscar có ảnh hưởng trong cả việc soạn thảo Hiến Chế về Phụng vụ Thánh cũng như trong việc soạn thảo những nghi lễ phụng vụ canh tân của Giáo hội. Và vì thế, các vị đã gây ảnh hưởng nền tảng về việc tiếp cận của cha cho các nghiên cứu phụng vụ. Bắt đầu nghiên cứu ở Sant’Anselmo vào những năm 1970, cha có cơ hội được sống và học tập với một vài học giả phụng vụ nổi tiếng nhất thể kỷ XX và với một vài nhà sáng lập của Học viện Giáo hoàng về Phụng vụ như: vị giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ của ngài, cha Burkhard Neunheuser, chuyên gia về lịch sử phụng vụ; cha Salvatore Marsili và cha Cipriano Vagagnini, hai thần học gia phụng vụ nổi tiếng; cha Adrien Nocent, chuyên viên trong các lĩnh vực về năm phụng vụ và khai tâm Kitô giáo; cha Herman Schmidt, SJ., người giữ bổ nhiệm kép tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô và Học viện Giáo hoàng về Phụng vụ. 


Từ đó, cha nhận biết rằng có một mối tương quan nội tại giữa phụng vụ và đời sống mà chúng ta nên để tâm tới. Chính cộng đoàn phụng vụ được mời gọi sống mối tương quan này. Theo lời của cha Anscar:  


Cộng đoàn phụng vụ mời gọi xã hội con người thực hiện một nỗ lực tập thể nhằm khẳng định công bằng nhân loại, loại bỏ bất công xã hội, và thúc đẩy tình đồng loại đích thực giữa người với người. Theo nghĩa này, cộng đoàn phụng vụ, như một biểu tượng mang tính ngôn sứ, sẽ luôn luôn hàm chứa yếu tố đa văn hóa. 


Vì sự lưu tâm như thế này đến cộng đoàn phụng vụ, nên một cách tự nhiên, cha Anscar nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lịch sử và văn hóa như những chìa khóa cho việc giúp phụng vụ mời gọi cách hữu hiệu hơn các tín hữu của thế kỷ XXI đi vào tâm trí và con tim của Đức Kitô thông qua phụng tự chung. Điều này giống như một liều thuốc giải hữu ích cho đặc tính chủ nghĩa cá nhân buông thả nơi xã hội hậu hiện đại của chúng ta. Bởi vì sự tham dự tích cực của tín hữu vào phụng vụ là dấu hiệu nổi trội cho những cải cách của Công đồng Vaticanô II, nên chủ đề này trở thành mối bận tâm chính cho những nhận thức của cha liên quan đến phụng tự, như được mô tả rõ trong cuốn sách này. 


Như Công đồng Vaticanô II vẫn luôn duy trì, “sự tham dự trọn vẹn, có ý thức và chủ động tích cực” của cộng đoàn dân Chúa sẽ là không thể nếu không có sự thích ứng hợp lý về những nghi lễ với bối cảnh văn hóa của chính họ. Với mục đích này, cha Anscar đã tiên phong trong việc khám phá cái được gọi là “hội nhập văn hóa phụng vụ.” Đã từng là hiệu trưởng Học viện Giáo hoàng về Phụng vụ, thư ký Ủy ban Phụng vụ Hội đồng giám mục Philippines, và là người sáng lập Học viện Phụng vụ Phaolô VI theo chỉ thị của hội đồng giám mục Philippiness, nên cha vừa phát triển tư tưởng của mình trong lĩnh vực này, vừa có cơ hội bổ sung cho cái nhìn của mình - một cái nhìn ảnh hưởng và gợi hứng cho nhiều học giả và mục tử trên khắp thế giới, cả Giáo hội Công giáo La mã và hơn thế nữa. 


Là một người con trung thành của Giáo hội và là một đan sĩ Biển Đức đích thực, cha Anscar luôn tôn trọng truyền thống Giáo hội như được diễn tả trong nền phụng tự của Giáo hội. Và như một cố vấn viên cho Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong nhiều năm, cha dành trọn tri thức và sự nhạy cảm mục vụ của mình cho việc phục vụ Tòa thánh và Giáo hội hoàn vũ. Sự cảm kích và tình yêu sâu đậm của cha cho truyền thống đó đặt cha vào một vị trí độc nhất nhằm đưa ra phê bình có tính xây dựng về truyền thống phụng vụ hiện hành và đề xuất một con đường hướng về phía trước. 


Là những cựu sinh viên theo học bằng tiến sĩ, vốn được thừa hưởng những lời dạy trong hai khóa học quan trọng của cha tại Học viện Giáo hoàng về Phụng vụ – khóa học “Thần học và những nguyên tắc hội nhập văn hóa trong phụng vụ” và khóa học “Lịch sử phụng vụ xuyên suốt các thời đại văn hóa” – chúng tôi nhận thấy sự uyên thâm của truyền thống phụng vụ Công giáo. Cha Anscar cống hiến đời sống chuyên sâu của mình cho truyền thống đó. Điều ấy được phản ánh qua những trang sách này. Hôm nay, 35 năm sau, cha vẫn tiếp tục làm giàu nền phụng vụ của Giáo hội thông qua sự uyên bác và nhạy bén mục vụ của mình. Tất cả chúng ta đều mang ơn ngài. 


Mark R. Francis, CSV  

Và Keith F. Pecklers, SJ  

Rôma, Lễ Hiển Linh, 2010  

 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét