LINH ĐẠO ĐA MINH

Chuyển ngữ từ bản tiếng Anh: DOMINICAN SPIRITUALITY 

Tác giả: Erik Borgman, 
Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh 
Hiệu đính : Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.
Phát hành : Học Viện Đa Minh, ngày 22/12/2013 mừng 798 năm thành lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết
Số trang: 184
Kích cỡ : 13.5x20.5cm

LỜI NGỎ 

Từ lâu, đã có nhiều cuốn sách viết về Linh đạo Đa Minh. Các tác giả đa số là linh mục hoặc tu sĩ; rất ít giáo dân viết về Linh đạo của Dòng. Có sự hạn chế này, một phần vì người giáo dân Đa Minh tham gia vào đời sống của Dòng chỉ dừng ở mức độ hiệp thông cầu nguyện, thực hành khổ chế và làm các việc đạo đức; việc chia sẻ nếp sống học hành và sứ vụ giảng thuyết chưa thực sự được đẩy mạnh. 

Anh Erik Borgman, một giáo dân Đa Minh, người Hà Lan, đã thực sự say mê với lý tưởng của Dòng và đã viết nên những suy tư khá nền tảng về Linh đạo Đa Minh. Qua những phân tích lịch sử sâu sắc và những câu chuyện đời thường đầy lôi cuốn, anh Borgman muốn chuyển đến độc giả của mình một thông điệp hy vọng. Những người Đa Minh luôn xác tín và làm chứng rằng: Thế giới chúng ta đang sống dù rất nhiễu nhương và bất ổn, thậm chí tàn ác và hãi hùng, nhưng cũng là nơi con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Sự thánh thiện, sự sống và chân lý sẽ chiếu toả, khi Lời Thiên Chúa được chiêm niệm, được rao giảng và được đón nhận. 

Trong cuốn sách rất lý thú này, anh Erik Borgman cũng cho thấy Linh đạo Đa Minh vẫn luôn hợp thời và độc đáo để cống hiến cho các Kitô hữu thuộc mọi bậc sống xét vì nó đáp ứng những đòi hỏi của thế giới hôm nay. 

Để minh hoạ cho ấn bản Việt Ngữ, chúng tôi sử dụng những hình ảnh mô tả chín cách cầu nguyện của thánh Đa Minh, đã được anh Borgman diễn giải ở Chương IV. Những tư thế cầu nguyện này của cha Đa Minh được một tác giả vô danh cùng thời mô tả lại. Theo anh, tác giả không nhằm trình bày một phương pháp cầu nguyện Đa Minh, nhưng muốn nói lên rằng đời sống Đa Minh là một đời sống cầu nguyện liên lỉ : Khao khát ơn cứu độ, gặp gỡ và chiêm ngắm Thiên Chúa xuyên qua tất cả những hoạt động và kinh nghiệm thường nhật. 

Về nguồn gốc bản dịch, Anh Giacôbê Đỗ Huy Nghĩa, khi còn là sinh viên của Học viện, đã tiến hành chuyển ngữ tập sách này, nhưng chưa kịp xuất bản thì ra trường (2006). Vừa rồi, anh trao lại bản dịch cho chúng tôi và mong muốn sách được xuất bản với danh nghĩa là Học Viện Đa Minh. 

Trong tinh thần hướng tới kỷ niệm 800 năm thành lập Dòng, đồng thời năm 2014 được dành riêng để suy tư về người giáo dân Đa Minh tham gia vào sứ vụ giảng thuyết của Dòng, Anh Em Học Viện Đa Minh xin trân trọng gửi đến các thành viên trong Dòng, cách riêng anh chị em giáo dân Đa Minh bản dịch Việt Ngữ của tập sách này. 

Tu viện Rất thánh Mân Côi, 
Lễ thánh Anbêtô Cả, ngày 15/11/2013 
Anh Em Học Viện Đa Minh

-------------------------------


LỜI GIỚI THIỆU

của Fr. Timothy Radcliffe, O.P.

Qua cuốn sách này, anh Erik Borgman, một người giáo dân Đa Minh Hà Lan, đã quảng diễn linh đạo Đa Minh một cách hấp dẫn và gợi lên nhiều suy nghĩ. Trực quan nòng cốt của cuốn sách chính là tư tưởng này : Linh đạo Đa Minh đặt nền tảng trên việc tiếp xúc với Thiên Chúa qua những kinh nghiệm của con người. Kinh nghiệm của thánh Đa Minh vào đầu thế kỷ XIII đã nảy sinh từ việc chống lại những người theo giáo phái Cathare vốn chủ trương rằng : Thiên Chúa cách xa con người và có một sự đối kháng giữa thế giới Thần linh và thế giới vật chất này. Nhưng đối với thánh Đa Minh, ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa tại đây, trong chính cuộc sống của mình với những khả năng sáng tạo, những điều tốt đẹp, những bất ổn và mù mờ.... Sứ mệnh của nhà giảng thuyết thúc đẩy chúng ta “bước ra khỏi ngôi nhà bình yên của mình, đi vào mọi hang cùng ngõ hẻm, dấn thân vào mọi lãnh vực : chính trị, báo chí, an sinh xã hội, giáo dục, khoa học với niềm xác tín rằng sự thánh thiện và dấu ấn của Đấng Chí Thánh sẽ được tìm thấy ở những nơi đó” (tr. 55). Thậm chí trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, khi tất cả đều tăm tối mịt mù, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi con người “khám phá” ra Người. “Nếu như linh đạo Đa Minh có một cốt lõi, thì đó có lẽ là trực cảm rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta hơn chúng ta tưởng, ngay cả những lúc chúng ta xa cách Thiên Chúa” (tr. 69). Đó là Tin Mừng mà Dòng Anh Em Giảng Thuyết được thành lập để rao giảng, và cũng là nguồn hạnh phúc của nhà giảng thuyết.

Niềm xác tín rằng Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống và đang chờ đợi con người khám phá Người là nét căn bản trong trình bày rất hấp dẫn của anh Erik Borgman về truyền thống Đa Minh, tức là cầu nguyện và chiêm niệm. Chiêm niệm không phải là khám phá ra Thiên Chúa qua việc tách mình ra khỏi thế giới này dù đôi khi chúng ta cũng cần những lúc như vậy. Đúng hơn chiêm niệm là mở to đôi mắt để khám phá Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta trong những tình huống trắc trở nhất. Nguyên tắc của đời sống chiêm niệm giải gỡ chúng ta khỏi lối nhìn thô thiển về sự vật và con người theo kiểu cách của thế giới tiêu thụ. Chúng ta học để biết nhìn một cách chính xác, biết nhìn trong bóng đêm và nhất là biết nhìn với lòng trắc ẩn như Thiên Chúa vẫn nhìn chúng ta. Người chiêm niệm dám chấp nhận để mình bị thương tổn bởi những nỗi khổ đau của thế giới này, và “để cho mình rung cảm trước những gì xảy đến cho bản thân và cho thế giới xung quanh, với niềm tin tưởng rằng bằng cách này chúng ta có thể bắt gặp những dấu ấn của Thiên Chúa cứu độ và giải thoát” (tr. 72).

Một ánh mắt chiêm niệm như vậy cũng là hoa quả của việc nghiên cứu và phản tỉnh để đạt được một “trái tim biết suy nghĩ”, theo cách nói của văn hào Do Thái Etty Hillesum, một nạn nhân của trại tập trung Auschwits, qua đời năm 1943. Nhận thức của anh Borgman về linh đạo Đa Minh được tóm tắt qua hình ảnh tuyệt vời của một đài phát sóng, nó truyền đi tất cả những gì nó nhận được. Anh khẳng định rằng linh đạo Đa Minh là nhằm làm tăng triển khả năng cảm nhận về sự hiện diện của Thiên Chúa, nguồn mạch của tất cả mọi lời rao giảng. 

Anh Borgman nhấn mạnh đến việc tìm những dấu ấn của Thiên Chúa trong hoàn cảnh sống của chúng ta hiện nay. Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cách thức lý giải về linh đạo Đa Minh của anh mang đậm dấu ấn của bối cảnh nơi anh đang sống, tức là Giáo hội Hà Lan hiện nay. Ở Hà Lan, đời sống tu trì đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn hơn bất kỳ một nơi nào khác trên thế giới. Đơn vị mà ở đó Dòng phát triển hơn cả là Huynh đoàn Giáo Dân Đa Minh, vốn đang chứng kiến một sự hồi sinh rực rỡ. Điều này đã khiến cho anh chủ trương rằng linh đạo Đa Minh đã tìm ra được một lối diễn tả tuyệt vời trong cuộc sống người giáo dân. Ở hầu hết các nơi trên thế giới, các ngành của Dòng : tu sĩ, đan sĩ, nữ tu được Chúa ban nhiều ơn gọi và sức sống, điều này có thể khiến họ nhấn mạnh tới những khía cạnh khác nữa trong linh đạo Đa Minh. Nhưng linh đạo Đa minh cũng bao gồm việc nhìn nhận rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có chung một lập trường, như anh Borgman đã không đồng ý với tôi trong một chương của cuốn sách này. Tranh luận để tìm kiếm chân lý là một phần của đời sống Đa Minh. Anh viết “trở nên người Đa Minh đích thực, tiên vàn và trước hết phải là thành viên của nhóm những người luôn tìm tòi và thắc mắc, để bằng cách này, cùng với lý trí tự nhiên và dựa theo truyền thống của Giáo hội, tìm ra một điều gì đó cho câu trả lời” (tr. 54).

Cuốn sách nhỏ tuyệt vời này còn thêm phần phong phú nhờ bài viết rất sâu sắc của cha Edward Schillebeeckx về linh đạo Đa Minh. Bài viết này nêu bật sự căng thẳng nền tảng nơi tâm điểm của linh đạo Đa Minh, đó là cuộc đối thoại giữa một bên là truyền thống Kitô giáo và Tin Mừng, còn bên kia là thời đại hôm nay với những vấn nạn và trực giác của nó. Cũng như anh Borgman, cha Schillebeeckx nhấn mạnh đến tính uyển chuyển của đời sống Đa Minh để đáp ứng lại với thời cuộc, như cha Lacordaire đã viết : đây là một “hồng ân giúp am tường về thời đại này”. Đó là một linh đạo dấn bước trên đường lữ hành. Cha Schillebeeckx cũng nhấn mạnh đến vai trò tiên quyết của ân sủng Thiên Chúa trong tất cả những gì chúng ta làm. Ân sủng là nền tảng cho niềm tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa, đồng thời mang lại niềm vui, một đặc tính cơ bản của đời sống Đa Minh, và cũng mang lại cho chúng ta một “linh đạo an bình và hạnh phúc”. “Tôi là một thần học gia hạnh phúc”, đó là tựa đề cuốn sách mới đây của cha Schillebeeckx, nó đã tóm kết ý nghĩa thế nào là một người Đa Minh.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét