Tinh thần Phụng vụ

Thông tin tác phẩm

Nguyên tác : L’esprit de la Liturgie
Nhà xuất bản : Ad Solem Editions SA
Chuyển ngữ : Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P
Kích cỡ : 14.5x20.5cm
Số trang : 268
Phát hành : 05/2024

Lời Tựa


Năm 1946, khi bắt đầu học thần học, tôi phát hiện ra cuốn Tinh Thần Phụng vụ, tác phẩm đầu tiên của Romano Guardini. Được xuất bản vào dịp lễ Phục Sinh năm 1918, cuốn sách này khởi đầu cho bộ sách “Ecclesia Orans”, do viện phụ Illdefons Herwegen điều hành, được tái bản đều đặn sau đó, và được coi như điểm khởi đầu của phong trào phụng vụ tại Đức. Cuốn sách giúp tái khám phá cách cơ bản về phụng vụ, với tất cả vẻ đẹp, sự phong phú tiềm ẩn và sự cao cả của nó qua nhiều thế hệ, như tâm điểm đem lại sức sống cho Giáo hội và cho đời sống Kitô hữu. Nó mở ra con đường giúp cử hành phụng vụ “cách nền tảng hơn”, - lập lại lối nói quen thuộc của Guardini. Nhờ thấu hiểu hình thức bên trong và những đòi hỏi của phụng vụ, người ta học lại cách quan niệm phụng vụ là lời cầu nguyện của Giáo hội, do chính Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn, lời cầu nguyện, trong đó Đức Kitô hiện diện cho chúng ta, cách thường xuyên và được đổi mới, và qua đó, Người đi vào cuộc sống của chúng ta.

Phụng vụ vào năm 1918 như thế nào đây ? Tôi thử đưa ra một so sánh, dĩ nhiên là không hoàn chỉnh, giống như mọi thứ so sánh, nhưng làm sáng tỏ ý định của tôi. Vào thời ấy, phụng vụ tựa như một bức họa được bảo tồn kỹ lưỡng, nhưng hầu như được bao phủ bởi những lớp sơn kế tiếp nhau. Trong sách lễ linh mục dùng để cử hành thánh lễ, phụng vụ xuất hiện như nó đã được khai triển từ ban đầu, trong khi đối với các tín hữu, thì phần lớn phụng vụ lại chìm dưới một mớ chữ đỏ và lời cầu nguyện riêng. Nhờ Phong trào phụng vụ, và rõ nét hơn, từ Công đồng Vaticanô II, bức họa được tháo gỡ, và ngay lập tức, chúng ta cảm thấy say mê bởi vẻ đẹp do màu sắc và họa tiết của nó.

Kể từ đó, bức họa được tiếp xúc với những điều kiện về khí hậu và những cố gắng khác nhau nhằm phục hồi và tái thiết, dầu vậy bức họa có nguy cơ bị hủy hoại nếu như người ta không mau chóng can thiệp để chấm dứt những ảnh hưởng tai hại này. Thật vậy, công việc này không phải là phủ lên một lớp sơn khác, nhưng là gợi lên một sự tôn trọng mới về tất cả những gì liên hệ tới nó, một sự hiểu biết được canh tân về sứ điệp và thực tại của nó, ngõ hầu việc tái khám phá này không phải là bước đầu tiên hướng đến sự hủy hoại không thể cứu vãn.

Đó là mục đích của cuốn sách này, trong đó những ý hướng trùng hợp về cơ bản với ý hướng trong tác phẩm của Guardini, và cũng là lý do vì thế tôi chọn một đề tựa nhằm gợi nhớ trực tiếp đến tác phẩm kinh điển của thần học phụng vụ. Tuy nhiên, tôi phải chuyển đổi điều mà Guardini, vào cuối chiến tranh thế giới thứ nhất, trình bày trong một bối cảnh lịch sử rất khác biệt, để đặt nó trong tương quan với những vấn nạn, những hy vọng và âu lo của chúng ta hôm nay. Đối với Guardini cũng như đối với tôi, mục tiêu không phải là giải thích, bàn luận, nhưng là góp phần vào việc hiểu biết sâu xa hơn về đức tin và cử hành đức tin ấy cách đúng đắn trong phụng vụ, vốn là hình thức riêng biệt của nó. Nếu như cuốn sách này có thể làm nảy sinh một “Phong trào phụng vụ ” mới, hay giúp tìm lại được cách thức cử hành phụng vụ xứng đáng hơn, cả về hình thức bên ngoài cũng như những tâm tình bên trong mà nó gợi lên, thì ý hướng dẫn đến công việc này đã được hoàn trọn.

Hồng Y Joseph Ratzinger
Rôma, lễ kính thánh Augustinô 1999




Đọc thử sách:

Đăng nhận xét

0 Nhận xét