LỜI VỀ THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

 Giới thiệu sách mới : 

LỜI VỀ THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

Tác giả : Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Nhà xuất bản : Hồng Đức
Năm xuất bản : 2022
Trọn bộ : 3 quyển
Giá trọn bộ : 295,000 vnđ

Tủ sách Học viện Đa Minh hân hạnh giới thiệu với quý độc giả trọn bộ 3 quyển "Lời về Thiên Chúa trong đời sống Giáo hội" của tác giả Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, dòng Đa Minh. Đây là bộ sách viết về lịch sử thần học, được các nhà nghiên cứu và nhiều độc giả quan tâm.

Quý vị có thể tìm thấy bộ sách tại các nhà sách Công giáo lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh :

1/ Nhà sách Nhà thờ Ba Chuông. Địa chỉ : Số 190 Lê Văn Sỹ , P. 10 , Q. Phú Nhuận, TPHCM.

2/ Thư viện Trung tâm Học vấn Đa Minh. Địa chỉ : Số 90 Nguyễn Thái Sơn, P. 3, Q. Gò Vấp, TPHCM.

3/ Nhà sách Đức Bà Hòa Bình. Địa chỉ : Số 1 Công Xã Paris, P. Bến Nghé, Q. 1, TPHCM.


Vài dòng dẫn nhập :

Tựa đề cuốn sách xem ra hơi khó hiểu. Thực ra “Lời về Thiên Chúa” là dịch sát nguồn gốc Hy-lạp của danh từ Theologia (gồm bởi “Theos” , Thiên Chúa, và “logos”, lời). Đây là một tập sách nghiên cứu về những cách nói về Thiên Chúa trong lịch sử Giáo hội. Nói cách khác, nội dung cuốn sách là Lịch sử thần học.

I. Ý nghĩa của “Lịch sử thần học”

Các sách viết về Lịch sử thần học không được phong phú cho lắm không riêng gì tại Việt Nam mà ngay cả tại các nước Âu Mỹ. Thật vậy, nhiều tác giả đã soạn bộ sách “Lịch sử triết học” đồ sộ, nhưng các sách về lịch sử thần học thì không được bao nhiêu. Dĩ nhiên, lịch sử triết học thì khác với lịch sử thần học, tuy rằng không phải lúc nào lằn ranh phân biệt cũng rõ rệt, bởi vì tại Âu châu, từ thời Trung cổ, các triết gia cũng là những thần học gia. Thậm chí, vào thời cận đại, khi triết học Âu châu muốn tách rời khỏi thần học, thì các triết gia cũng không thể tránh né các vấn đề thần học (chẳng hạn như về sự hiện hữu của Thiên Chúa, hạnh phúc của con người), và thần học cũng quan tâm đến những vấn nạn của triết học (chẳng hạn như về thuyết vô thần, về tự do của con người).

Một cách tương tự như vậy, các sách “Lịch sử Giáo hội” cũng chiếm nhiều ngăn kệ trong các thư viện. Tuy nhiên, lịch sử Giáo hội bàn về đời sống của Kitô giáo cách khái quát, còn lịch sử thần học chú trọng cách riêng đến lãnh vực tư tưởng. Trên thực tế, sự phân biệt không hoàn toàn rõ rệt, bởi vì tư tưởng thần học không chỉ là những suy tư trừu tượng nhưng sớm muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến lối sống đạo (thí dụ cách tổ chức Giáo Hội tùy thuộc vào quan niệm Giáo Hội như là một tổ chức quy củ theo mô hình kim tự tháp, trong đó mọi người đều phải chờ đợi chỉ thị từ cơ quan lãnh đạo tối cao; hoặc là quan niệm Giáo Hội được Thánh Linh điều khiển bằng các đoàn sủng ban cho mọi người); đối lại, các tư tưởng thần học cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những bối cảnh văn hóa đương thời. Mối tương tác giữa tư tưởng và thực hành đã được diễn tả qua công thức: lex orandi – lex credendi – lex vivendi. Một cách cụ thể, Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, qua bố cục gồm bốn phần, đã nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa “tuyên xưng đức tin” – “cử hành đức tin” – “sống đức tin” – “cầu nguyện”.

Như vậy, “lịch sử thần học” thì khác với “lịch sử triết học” và “lịch sử Giáo hội”. Tiếp tục xác định từ ngữ, chúng ta cần phân biệt “lịch sử thần học” và “lịch sử các tín điều”, cũng như “lịch sử thần học” và “thần học lịch sử”.

[...]






Mục lục Quyển 1




Đăng nhận xét

0 Nhận xét